Bảo tồn tinh hoàn xoắn, sắp hoại tử cho thiếu niên 15 tuổi

P.V, icon
08:29 ngày 25/08/2023

VTV.vn - Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa phẫu thuật bảo tồn thành công tinh hoàn bị xoắn, tím đen sắp hoại tử cho một nam sinh.

Hình minh hoạ.

Suýt mất tinh hoàn nếu chậm nhập viện

Sáng ngày 18/8/2023, Khoa Nam học và Y học giới tính - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp nhận và phẫu thuật bảo tồn được tinh hoàn đã tím đen cho một nam sinh bị xoắn 1,5 vòng ở gốc.

Bệnh nhân là em Nguyễn Minh H., 15 tuổi, đang chuẩn bị quay lại trường học sau kỳ nghỉ hè. 6h sáng khi ngủ dậy, đột ngột xuất hiện đau vùng bìu trái, đau nhói liên tục, khiến em rất khó chịu và không ăn uống được gì. Ban đầu, bố mẹ em H. chỉ nghỉ rằng đây là cơn đau bình thường, quyết định cho con uống 1 viên paracetamol, nhưng uống xong thì cơn đau không hề thuyên giảm.

Đến 8h30, cơn đau bìu càng ngày tăng lên, H. thấy cực kỳ khó chịu khiến bố mẹ ngay lập tức phải nghỉ làm và đưa con đến khám tại nơi gần nhất là Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Khi thăm khám, các bác sĩ Nam khoa dễ dàng nhận ra đây trường hợp xoắn tinh hoàn với các đặc điểm triệu chứng khởi phát đột ngột, tinh hoàn treo cao, ấn có điểm đau chói. Xoắn tinh hoàn là một bệnh lý cấp cứu tối khẩn cấp, khi thừng tinh bị xoắn quanh trục dẫn đến thiếu cấp máu cho tinh hoàn dẫn đến hoại tử.

Ngay lập tức, các nhân viên y tế khởi động quy trình dành cho trường hợp cấp cứu tối khẩn cấp, với hy vọng trong thời gian "vàng" có thể giữ được tinh hoàn cho người bệnh.

Bệnh nhân được đưa đi siêu âm doppler với thẻ ưu tiên, với hình ảnh mất phổ mạch hoàn toàn của tinh hoàn bên trái - một dấu hiệu điển hình của bệnh xoắn tinh hoàn. Cùng lúc đó, ekip trên phòng mổ cũng nhận được thông tin và chuẩn bị sẵn sàng phòng mổ, nhân lực, dụng cụ, các phương án vô cảm khác nhau cho người bệnh và cuộc mổ.

Với sự khẩn trương tối đa, sau 40 phút kể từ khi đến bệnh viện, bệnh nhân đã được đưa lên phòng mổ. Mở ra, các bác sĩ thấy tinh hoàn trái tím đen, nguyên nhân do thừng tinh xoắn 1,5 vòng ở gốc. Tiến hành tháo xoắn, ủ bằng huyết thanh ấm, phong bế thừng tinh, sau 20 phút chờ đợi thì tinh hoàn hồng trở lại và được cố định trở lại vào khoang bìu.

Lưu ý thời gian "vàng" có thể bảo tồn tinh hoàn

BS. Đỗ Ích Định - Khoa Nam học và Y học giới tính cho biết, bệnh xoắn tinh hoàn thường gặp trong các tình huống trước hoặc trong tuổi dậy thì; khi thời tiết lạnh, dẫn đến kích thích cơ bìu co thắt hoặc có các bất thường về cấu trúc của tinh hoàn. Xoắn tinh hoàn thường xảy ra vào ban đêm hoặc rạng sáng.

Thời gian cửa sổ để có thể cứu được tinh hoàn dao động trước 6h kể từ khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường của xoắn sinh hoàn. Sau khoảng thời gian "vàng" này, tinh hoàn rất khó để có thể bảo tồn được. Chính vì vậy, BS. Định lưu ý các dấu hiệu của xoắn tinh hoàn cần nhận diện sớm để kịp thời xử trí:

+ Đau bìu khởi phát đột ngột, dữ dội, đau có thể lan lên vùng bẹn, chậu, hông, bụng;

+ Bìu sưng nề, da bìu đỏ thẫm hoặc bầm tím;

+ Tinh hoàn treo cao hơn bên đối diện;

+ Tinh hoàn xoay trục, nằm ngang;

+ Nôn hoặc buồn nôn.

Theo các bác sĩ nam khoa, xoắn tinh hoàn là một cấp cứu ngoại khoa, người bệnh cần được phẫu thuật can thiệp kịp thời, tháo xoắn tinh hoàn càng sớm thì cơ hội điều trị thành công càng cao. Cụ thể, nếu phẫu thuật trước 6 giờ, tỷ lệ thành công lên tới 90 - 100%; từ 6 - 12 giờ thì tỷ lệ là 50%; từ 12 - 24 giờ thì chỉ có 10% là cứu được tinh hoàn. Lúc này, khả năng cao là bệnh nhân đã bị hoại tử tinh hoàn, phải cắt bỏ tinh hoàn bị xoắn.

Tinh hoàn là bộ phận quan trọng đối với đời sống tình dục và quyết định sức khỏe của nam giới. Xoắn tinh hoàn có thể dẫn tới hoại tử tinh hoàn. Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, tỷ lệ cứu được tinh hoàn có thể đạt tới 100%. Do đó, khi có bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo nguy cơ xoắn tinh hoàn, người bệnh nên nhập viện để được cấp cứu sớm, tránh nguy cơ điều trị muộn hoặc sai phương pháp có thể buộc phải cắt bỏ tinh hoàn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục