Đây sẽ là một động lực lớn góp phần thúc đẩy lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Ấn Độ.
Kế hoạch trên sẽ giúp bổ sung thêm 30 GigaWatt công suất điện Mặt Trời thông qua các tấm pin Mặt Trời áp mái trong khu dân cư, giúp giảm 720 triệu tấn khí thải CO2. Kế hoạch trên ước tính sẽ tạo ra khoảng 1,7 triệu việc làm trực tiếp trong các lĩnh vực như sản xuất, logistics, chuỗi cung ứng, bán hàng, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng và nhiều dịch vụ khác liên quan đến lắp đặt hệ thống pin Mặt Trời.
Theo tuyên bố chính thức của Chính phủ Ấn Độ 60% chi phí sẽ được hỗ trợ cho các hệ thống có công suất dưới 2 kW và 40% chi phí bổ sung sẽ được cung cấp cho các hệ thống có công suất từ 2 kW đến 3 kW.
Ấn Độ sẽ lắp pin Mặt Trời áp mái cho 10 triệu gia đình (Ảnh: Mercom India)
Từ tháng 9/2023, Chính phủ Ấn Độ bắt đầu triển khai dự án Làng năng lượng Mặt Trời, lắp đặt hơn 1.300 tấm pin năng lượng Mặt Trời trên mái nhà của các tòa nhà dân cư rồi kết nối với một nhà máy điện.
Nhờ vậy, một số làng và cộng đồng dân cư tại nông thôn đã chủ động trong việc sản xuất điện, giúp người dân có đủ điện để sử dụng trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Chính phủ cho biết cũng sẽ mua lại năng lượng dư thừa được sản xuất ở đây nếu người dân không sử dụng hết công suất được giao cho các hộ gia đình. Từ khi điện về làng, người dân rất vui mừng vì sản lượng sản xuất thủ công tăng lên đáng kể, đời sống từ đó cũng được cải thiện.
Với việc lắp pin Mặt Trời áp mái rộng rãi, Chính phủ Ấn Độ đã hiện thực hóa cam kết giảm phát thải carbon và tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!