Campuchia: Chiến dịch tiêm phòng ung thư cổ tử cung miễn phí giúp bảo vệ tương lai cho thế hệ trẻ

Đàm Linh (Theo Phnompenh Post)-Thứ hai, ngày 29/04/2024 18:53 GMT+7

Một bé gái Campuchia được tiêm phòng vaccine HPV tháng 10/2023 (Ảnh: UNICEF)

VTV.vn - Campuchia đang thực hiện Chiến dịch tiêm phòng ung thư cổ tử cung miễn phí cho các trẻ em gái 9 tuổi.

Kể từ khi việc chủng ngừa virus HPV (nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư cổ tử cung) được bổ sung vào chương trình tiêm chủng quốc gia, các cơ quan y tế Campuchia đã đảm bảo rằng gần như tất cả các bé gái 9 tuổi của đất nước này đều được tiêm mũi vaccine này.

Phen Lina, một bà mẹ ba con, mang tâm lý thận trọng giống như nhiều bậc cha mẹ khi cân nhắc việc tiêm vaccine ngừa HPV cho con gái mình, hiện 12 tuổi. "Tôi không chắc chắn khi nào tôi sẽ đưa con bé đi tiêm phòng nhưng tôi sẽ làm. Hãy đợi cho đến khi tôi có thời gian", Lina nói. Cô là một trong số rất nhiều người tại Campuchia còn chưa thực sự hiểu về tác dụng của loại vaccine quan trọng này đối với tương lai của các bé gái.

Campuchia là một quốc gia nơi ung thư cổ tử cung được xếp hạng là loại ung thư phổ biến thứ hai và nguy hiểm thứ ba ở phụ nữ. Theo Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan), Campuchia ghi nhận khoảng 18.000 ca ung thư mới mỗi năm, với con số dự kiến sẽ tăng lên đến 32.000 ca vào năm 2040. Trong đó, các loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ Campuchia là ung thư vú (19,1%), ung thư cổ tử cung (11,5%) và ung thư gan (10,8%).

Theo Hệ thống Quản lý Thông tin Y tế Campuchia (HMIS), nhờ một chiến dịch quốc gia toàn diện bắt đầu vào tháng 10/2023, 99% bé gái 9 tuổi nằm trong diện tiêm phòng sẽ được tiêm vaccine HPV trước cuối năm nay.

Campuchia: Chiến dịch tiêm phòng ung thư cổ tử cung miễn phí giúp bảo vệ tương lai cho thế hệ trẻ - Ảnh 1.

Các trẻ em gái 9 tuổi tại Campuchia sẽ được tiêm miễn phí vaccine HPV (Ảnh: Borgen)

Khi phát động chiến dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế Chheang Ra nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe của tất cả trẻ em gái trên toàn quốc. Ông nói: "Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng tất cả các bé gái 9 tuổi đều được tiêm một liều vaccine HPV miễn phí và có kế hoạch tiêm chủng cho tất cả các bé gái trên 9 tuổi thông qua một chiến dịch vào năm 2025".

Theo Anirban Chatterjee, Phó đại diện UNICEF Campuchia giải thích rằng sáng kiến này là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm tích hợp vaccine HPV vào chương trình tiêm chủng định kỳ của đất nước, hứa hẹn mang lại khả năng phòng vệ bền vững chống lại ung thư cổ tử cung cho các thế hệ tương lai.

Trích dẫn báo cáo của cổng thông tin Hệ thống Quản lý Thông tin Y tế Campuchia (HMIS), ông Chatterjee cho biết tính đến ngày 31/12/223, 145.742 bé gái 9 tuổi đã được tiêm vaccine HPV. Chính phủ Campuchia đã phối hợp với các tổ chức y tế toàn cầu lớn như GAVI (Liên minh vắc-xin và tiêm chủng toàn cầu), WHO và UNICEF cung cấp vaccine HPV miễn phí cho tất cả các bé gái 9 tuổi trên toàn quốc thông qua các buổi tiếp cận tiêm chủng thường xuyên ở trường học và các trung tâm y tế cộng đồng. Mục đích của họ không chỉ là bảo vệ các bé gái ngay từ nhỏ mà còn nhằm giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của việc tiêm phòng sớm.

Ông Chatterjee cho biết: "Vaccine HPV được tiêm miễn phí, dễ tiếp cận, an toàn và nó có hiệu quả nhất ở độ tuổi trẻ này, trước nguy cơ tiếp xúc với virus".

Ông nói thêm: "Trong các buổi tiêm chủng, UNICEF đã hỗ trợ các nỗ lực tiếp cận với hơn 210.000 người, cung cấp thông tin cho người chăm sóc, cha mẹ và trẻ em về tầm quan trọng của vaccine".

Tính cấp bách của chiến dịch này được nhấn mạnh bởi những số liệu thống kê nghiệt ngã. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Eav Sokha - chuyên gia về ung thư, mỗi năm, hàng nghìn phụ nữ ở Campuchia thiệt mạng vì ung thư cổ tử cung, căn bệnh có liên quan mật thiết đến HPV - loại virus có hơn 20 chủng có khả năng gây ung thư.

Campuchia: Chiến dịch tiêm phòng ung thư cổ tử cung miễn phí giúp bảo vệ tương lai cho thế hệ trẻ - Ảnh 2.

Vaccine HPV hiện có giá thành khá cao nên nếu không được tiêm miễn phí, nhiều bé gái sẽ khó tiếp cận dịch vụ này (Ảnh minh họa)

Sokha, một chuyên gia ung thư nổi tiếng với 26 năm kinh nghiệm, đã thành lập một đơn vị phục hồi bệnh ung thư thời hậu Pol Pot vào năm 2003, nói: "May mắn thay, vaccine HPV đã chứng minh được tính hiệu quả cao, với hiệu quả được ghi nhận là 97% trong việc ngăn ngừa các loại virus HPV có nhiều khả năng gây ung thư cổ tử cung nhiều nhất". Sokha lưu ý tính hiệu quả của việc tiêm chủng, đặc biệt là ở những người trẻ, chưa lập gia đình, từ 9 đến 26 tuổi, mặc dù hiệu quả của nó giảm dần theo tuổi tác. Đặc biệt, ngay cả sau khi tiêm chủng, phụ nữ nên kiểm tra tế bào cổ tử cung hàng năm cho đến tuổi 72 để phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào có thể phát triển thành ung thư.

Mặc dù có những lợi ích rõ ràng và sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ và quốc tế nhưng vẫn còn những thách thức trong việc tiếp cận tất cả các bộ phận dân cư. Ông Chatterjee lưu ý rằng ung thư cổ tử cung là một căn bệnh tàn khốc ảnh hưởng đến phụ nữ trên toàn cầu, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình như Campuchia.

Vaccine HPV hiện có giá thành khá cao. Các chuyên gia tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị trẻ em gái và nữ giới trong độ tuổi từ 9 - 20 chỉ cần tiêm 1 mũi vaccine HPV là đã có thể ngừa được ung thư cổ tử cung.

Thái Lan tiêm 1 triệu liều vaccine HPV phòng ngừa ung thư cổ tử cung Thái Lan tiêm 1 triệu liều vaccine HPV phòng ngừa ung thư cổ tử cung

VTV.vn - Bộ Y tế Thái Lan sẽ thực hiện dự án tiêm 1 triệu liều vaccine HPV phòng ngừa ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư khác cho phụ nữ và trẻ em gái từ 11 đến 20 tuổi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước